Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2018

Thục Phán - An Dương Vương

Đăng bởi   vào   Bình luận


AN DƯƠNG VƯƠNG
(安陽王)
Tên húy: Thục Phán (蜀泮)
Sinh: (Chưa rõ) 
Mất:   208 TCN (Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư) 
          179 TCN (Theo Sử ký Tư Mã Thiên)
Quốc tịch: Nam Cương
Mộ và đền thờ: Di tích đền thờ Cổ Loa thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.
Đền Cuông thuộc xã Diễn An, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

THÂN THẾ

Ông Nội: Thục Vương
Cha: An Trị Vương - Thục Chế
Con gái: Mỵ Châu


DẸP LOẠN 9 CHÚA

Thục Phán là con trai của An Trị Vương – Thục Chế, lên ngôi khi 10 tuổi, nhưng quyền hành thực tế lại nằm trong tay Thục Mô – Cháu nội Thục Chế. Sự chuyên quyền của Thục Mô khiến cho 9 Mường của Nam Cương nổi dậy tranh dành ngôi vua. Thục Phán bằng lòng can đảm và mưu trí đã thu phục và thống nhất lại được 10 Mường của Nam Cương, lấy lại quyền hành từ tay của Thục Mô. Ngày này, dân tộc Tày (Việt Nam) và dân tộc Choang (Tàu) còn lưu truyền câu chuyện "Cẩu chủa cheng vùa" nói về sự kiện 9 chúa tranh vua ở nước Nam Cương thời Thục Phán.

CHỐNG QUÂN TẦN

Sau khi Doanh Chính – Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Nguyên, đã phát binh Nam tiến xâm lược Bách Việt (218 TCN) Trước sự thất bại của nhiều Tiểu Quốc trong Bách Việt, và nhận thấy nguy cơ diệt vong trước đại quân Tần hung hãn đang gần kề. Thục Phán đã tiến hành liên kết với nước Văn Lang để chống Tần. Cuộc chiến kéo dài trong 6 năm ròng rã (214TCN – 208TCN) với sự kiện tướng Tần là Đồ Thư bị Thục Phán chém đầu đã chấm dứt cuộc chiến.


Theo các cứ liệu lịch sử và truyền thuyết, vai trò của Thục Phán trong cuộc kháng chiến chống Tần là rất to lớn.


THÀNH LẬP NƯỚC ÂU LẠC


Theo các cứ liệu lịch sử hiện nay có hai luồng quan điểm về việc Thục Phán thành lập nước Âu Lạc.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Sau khi kháng chiến chống Tần thành công, Hùng Vương truyền ngôi cho Thục Phán lên làm vua, lấy hiệu là An Dương Vương, đóng đô ở Cổ Loa.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Sau khi kháng chiến chống Tần thắng lợi, trên đà chiến thắng, Thục Phán đã thu phục luôn cả Văn Lang rồi hợp nhất vào với nước Nam Cương đổi tên thành Âu Lạc, lấy hiệu là An Dương Vương, đóng đô ở Cổ Loa.


Theo quan điểm cá nhân, sự kiện này chỉ có thể diễn ra theo quan điểm thứ 2.  Xưa Thục Vương từng sang cầu hôn công chúa nước Văn Lang nhưng không thành, dẫn quân đi chinh phạt nhưng thất bại, nên đã di chiếu cho con cháu ngày sau phải diệt nước Văn Lang. Sau khi Thục Phán dẹp yên nội tình Nam Cương, nước này ngày càng trở nên lớn mạnh và có ý định thôn tính những nước lân bang, nhiều lần đưa quân sang gia tranh với Văn Lang nhưng thất bại. Lợi dụng thành quả chiến thắng chống Tần và danh tiếng của mình trong cuộc chiến, Thục Phán đã đánh úp Hùng Vương và dành chiến thắng. Nhưng chắc rằng, Hùng Vương và Thục Phán đã có một giao kèo nào đó dẫn tới việc Thục Phán đổi tên nước Nam Cương thành nước Âu Lạc, Thục Phán sẽ để lại đền thờ lăng mộ các vua Hùng trước kia. Có thể là để các Bộ nước Văn Lang sẽ không nổi dậy chống lại Thục Phán.

Sau khi lên ngôi, Thục Phán xưng là An Dương Vương, đặt ra triều chính, đổi Quốc hiệu là Âu Lạc. 

Hẳn rằng khi vừa lên ngôi, Thục Phán còn đang đóng đô ở thành Bàn Phủ hoặc là chính tại đất Phong Châu. Nhưng vì địa thế những nới này khiến cho việc không thể kiểm soát được các vùng lãnh thổ trong nước, nên buộc Thục Phán phải chọn một vị trí mới để đặt làm kinh đô xây thành đắp lũy. Và chọn được vùng đất Cổ Loa ngày này để dựng lên môt tòa thành bằng đất nguy nga.


XÂY THÀNH CỔ LOA

Vào thời Âu Lạc, Cổ Loa nằm vào vị trí đỉnh của tam giác châu thổ sông Hồng và là nơi giao lưu quan trọng của đường thủy và đường bộ. Từ đây có thể kiểm soát được cả vùng đồng bằng lẫn vùng sơn địa. Cổ Loa là một khu đất đồi cao ráo nằm ở tả ngạn sông Hoàng. Con sông này qua nhiều thế kỷ bị phù sa bồi đắp và nay đã trở thành một con lạch nhỏ, nhưng xưa kia sông Hoàng là một con sông nhánh lớn quan trọng của sông Hồng, nối liền sông Hồng với sông Cầu, con sông lớn nhất trong hệ thống sông Thái Bình. Như vậy, về phương diện giao thông đường thủy, Cổ Loa có một vị trí vô cùng thuận lợi hơn bất kỳ ở đâu tại đồng bằng Bắc Bộ vào thời ấy. Đó là vị trí nối liền mạng lưới đường thủy của sông Hồng cùng với mạng lưới đường thủy của sông Thái Bình. Hai mạng lưới đường thủy này chi phối toàn bộ hệ thống đường thủy tại Bắc bộ Việt Nam. Qua con sông Hoàng, thuyền bè có thể tỏa đi khắp nơi, nếu ngược lên sông Hồng là có thể thâm nhập vào vùng Bắc hay Tây Bắc của Bắc Bộ, nếu xuôi sông Hồng, thuyền có thể ra đến biển cả, còn nếu muốn đến vùng phía Đông Bắc bộ thì dùng sông Cầu để thâm nhập vào hệ thống sông Thái Bình đến tận sông Thương và sông Lục Nam.



Địa điểm Cổ Loa chính là Phong Khê, lúc đó là một vùng đồng bằng trù phú có xóm làng, dân chúng đông đúc, sống bằng nghề làm ruộng, đánh cá và thủ công nghiệp. Việc dời đô từ Phong Châu về đây, đánh dấu một giai đoạn phát triển của dân cư Việt cổ, giai đoạn người Việt chuyển trung tâm quyền lực từ vùng Trung du bán sơn địa về định cư tại vùng đồng bằng. Việc định cư tại đồng bằng chứng tỏ một bước tiến lớn trong các lãnh vực xã hội, kinh tế trong giao tiếp, trao đổi con người dễ dàng đi lại bằng đường bộ hay bằng đường thủy; trong nông nghiệp có bước tiến đáng kể về kỹ thuật trồng lúa nước, mức độ dân cư cũng đông đúc hơn.


Thành Cổ Loa được xây bằng đất do thời ấy ở Âu Lạc chưa có gạch nung. Thành có 3 vòng. Chu vi ngoài 8 km, vòng giữa 6,58 km, vòng trong 1,6 km... Diện tích trung tâm lên tới 2 km². Thành được xây theo phương pháp đào đất đến đâu, khoét hào đến đó, thành đắp đến đâu, lũy xây đến đó. Mặt ngoài lũy, dốc thẳng đứng, mặt trong xoải để đánh vào thì khó, trong đánh ra thì dễ. Lũy cao trung bình từ 4-5 m, có chỗ 8–12 m. Chân lũy rộng 20–30 m, mặt lũy rộng 6–12 m. Khối lượng đất đào đắp ước tính 2,2 triệu mét khối. Khu vực Cổ Loa được coi là một nền đất yếu nên việc xây dựng thành Cổ Loa có thể khó khăn và thành bị đổ nhiều lần là dễ hiểu. Khi xẻ dọc thành để nghiên cứu, các nhà khảo cổ học phát hiện kỹ thuật gia cố thành của Thục Phán: chân thành được chẹn một lớp tảng đá. Hòn nhỏ có đường kính 15 cm, hòn lớn có đường kính 60 cm. Xung quanh Cổ Loa, một mạng lưới thủy văn dày đặc đã được tạo ra, thành một vùng khép kín, thuận lợi cho việc xây dựng căn cứ thủy binh hùng mạnh. Thuở ấy, sông Thiếp – Ngũ Huyền Khê - Hoàng Giang thông với sông Cầu ở Thổ Hà, Quả Cảm (Hà Bắc) thông với sông Hồng ở Vĩnh Thanh (Đông Anh). Ngay sau khi xây thành, Thục An Dương Vương đã chiêu tập những thợ mộc giỏi, sử dụng gỗ ở địa phương đóng thuyền chiến. Nhân dân cũng được điều tới khai phá rừng đa (Gia Lâm), rừng Mơ (Mai Lâm), rừng dâu da (Du Lâm)... thành ruộng. Những hiệp thợ chuyên rèn vũ khí cũng xuất hiện, chế tạo côn, kiếm, giáo, mác và nỏ liên châu, mỗi phát bắn nhiều mũi tên. Có nhiều bằng chứng khảo cổ về sự tồn tại của hàng chục vạn mũi tên đồng, có thể dùng nỏ liên châu ở đây.

Lời của tác giả.
Nhớ rằng:
Đất nước của chúng ta trải qua hơn 1000 năm bị giặc Tàu phương Bắc đô hộ, mối nhục này chúng ta đâu thể quên.
Tự hào rằng:
Đất nước của chúng ta với truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm oai hùng của các bậc tiền nhân đi trước. Lẫy lừng nhất trong lịch sử là 3 lần đánh thắng quân Mông – Nguyên khiến cho cả Thế giới khiếp sợ.
Ý thức rằng:
Lịch sử của Dân tộc là những nỗi đau bất hạnh kéo dài triền miên. Sự thờ ơ với lịch sử của mỗi người Việt Nam chính là con dao giết chết Dân tộc. Và làn sóng xâm lăng của ngoại bang là không bao giờ kết thúc.
Vậy nên:
Là người Việt Nam, không nhất thiết phải giỏi lịch sử. Nhưng phải biết và phải hiểu lịch sử Nước nhà. Không làm rạng danh được tổ tiên thì phải để cho con cháu được tự hào.