Hiển thị các bài đăng có nhãn Tiếng Việt. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tiếng Việt. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2018

Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ


Chữ Quốc ngữ được hình thành trong quá trình truyền đạo Công giáo do Dòng Tên thực hiện dưới quy chế bảo trợ của Bồ Đào Nha vào đầu thế kỷ XVII. Các nhà truyền giáo đóng góp nhiều trong việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ có thể kể đến Francesco Buzomi, Gaspar do Amaral, Antonio Barbosa và Francisco de Pina.

Nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes được coi là người có công nhiều trong việc định chế chữ quốc ngữ qua cuốn từ điển “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” in năm 1651 tại Roma. Cuốn từ điển này được biên soạn phần nào đó dựa trên đóng góp của những người khác. Theo soạn giả, ông cũng mượn dấu sắc, huyền, ngã từ tiếng Cổ Hy Lạp mà vẫn không đủ nên phải thêm iota subscriptum (dấu nặng) và dấu hỏi để biểu lộ thanh giọng của tiếng Việt. So sánh ký tự thì âm “nh” theo tiếng Bồ Đào Nha; “gi” theo tiếng Ý; còn “ph” theo tiếng cổ Hy Lạp.

Các văn bản thời kỳ này là tài liệu ghi chép quan trọng về cách phát âm của tiếng Việt trung đại. Trong những tài liệu còn lưu trữ được là bản thảo "Manescrito, em que se Prou a, que a forma do Bauptisma Pronunciada em Lingoa Annamica he Verdadeira" do nhà truyền giáo Giovanni Filippo de Marini đến Đàng Ngoài giảng đạo khoảng thập niên 1650, thì lối viết chữ Quốc ngữ ở giai đoạn đó như sau:

“Tau rửa mầi nhân danh Cha, ủa Con, ủa Spirite Santo. Tau lấy tên Chúa, tốt tên, tốt danh, tốt tiếng, vô danh, cắt ma, cắt xác, Blai có ba hồn bảy uía, Chúa Bloy Ba Ngôy nhẩn danh...”

Một mốc quan trọng của chữ Quốc ngữ là cuốn từ điển của giáo sĩ Jean-Louis Taberd, in năm 1838, căn cứ vào bản thảo của Giám mục Bá Đa Lộc.

Cuốn tự điển của Bá Đa Lộc được soạn từ năm 1773 đến 1815 thì hoàn thành, mang tên “Dictionarium Anamatico-Latinum” nhưng chưa được in ra (bản viết tay nay còn giữ ở Văn khố Hội Truyền giáo Paris). Trong khi đó tự điển của Taberd mang tên Nam Việt Dương Hiệp Tự vị (tựa tiếng Latinh giống với tựa cuốn của Bá Đa Lộc) được in ở Serampore, Ấn Độ. Nó phản ảnh một biến chuyển quan trọng của tiếng Việt trong khoảng thời gian giữa thế kỷ XVII và thế kỷ XIX. So sánh tự điển của Taberd và De Rhodes thì âm "ꞗ" (ȸ) biến mất, thay thế bằng âm "v" hoặc "b". Những âm "bl", "ml", "pl", "sl", và "tl" cũng biến mất, thay thế bằng "tr", "nh", "l", "s". Dạng chính tả của chữ Quốc ngữ ở thời điểm này không khác mấy cách viết ngày nay.

Cuốn tự điển có phần phụ lục tựa là "Lời Chúa Tàu và Người Annam vấn đáp cùng nhau" (Dialogus Inter Unum Navis Praevectum et Unum Cocincinensem), trong đó có đoạn như sau:

- Ông đi viếng Quan lớn thì được song thói nước nầy chẳng cho phép thăm đờn bà.

- Tôi cam lòng chìu theo quốc pháp, tôi chẳng có ý làm đều gì nghịch cùng thói phép đất nầy, có tục ngữ rằng: nhập giang tùy khúc nhập gia tùy tục.

Đọc qua, ngoài một số chữ khác biệt cách viết nhưng ý đã rõ, không là trở ngại cho độc giả hiện nay. Tuy nhiên vào thời điểm này, chỉ có cộng đồng Công giáo tại Việt Nam sử dụng lối chữ này.
Do sự thống trị của Hán học ở Việt Nam, chữ Quốc ngữ trên chặng đường hơn 300 năm hình thành và phát triển chưa đủ phổ biến để coi là văn tự chính thức. Cho tới khi Thực dân Pháp xâm lăng, chiếm Nam Kỳ vào cuối thế kỷ XIX, thì tên gọi và vị trí của nó mới được xác lập. Ngày 22 tháng 2 năm 1869 Phó Đề đốc Marie Gustave Hector Ohier ký nghị định bắt buộc dùng chữ Quốc ngữ thay thế chữ Nho trong các công văn ở Nam Kỳ.

Theo sử gia Liam Kelley, vào đầu thế kỷ XX cả thực dân Pháp lẫn các nhà cách mạng đều không đủ quyền lực để chữ Quốc Ngữ có thể lan sâu rộng trong các làng quê. Phải tới năm Thành Thái thứ 18 (1906) Hoàng đế Thành Thái ban hành một đạo dụ. Theo đó, cha mẹ có thể quyết định việc cho con theo học một trường ấu học Hán văn hoặc một chương trình giảng dạy Nam âm (Quốc ngữ). Với những người theo học Hán văn, sẽ có một cuốn sách giao khoa được soạn ra nhằm giới thiệu những từ chữa Hán từ cấp độ dễ tới khó dần. Nó cũng bao gồm một danh mục các Hán tự kèm theo phiên âm và định nghĩa bằng chữ Quốc ngữ được dùng trong tài liệu. Trong khi, một cuốn sách giáo khoa bằng chữ Quốc ngữ khác sẽ được soạn ra để dạy những người theo học chương trình học "Nam âm" nhằm giới thiệu cho họ những thông tin cơ bản về xứ Đông Dương, thiết chế cai trị của nó, những phong tục tập quán... Sau khi đạo dụ được ban ra, tầng lớp sĩ phu trước đây vốn quay lưng với chữ Quốc ngữ vì cho rằng nó là “ sản phẩm của ngoại bang xâm lược, dùng chỉ đọc kinh thánh”, nay lại đi học chữ Quốc ngữ để về dạy trong các trường làng.

Sau này, khi dành được độc lập, mẫu tự La-tinh được các nhà truyền giáo sáng tạo ra trở thành chữ viết chính thức của Việt Nam.
  

Lời của tác giả.
Nhớ rằng:
Đất nước của chúng ta trải qua hơn 1000 năm bị giặc Tàu phương Bắc đô hộ, mối nhục này chúng ta đâu thể quên.
Tự hào rằng:
Đất nước của chúng ta với truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm oai hùng của các bậc tiền nhân đi trước. Lẫy lừng nhất trong lịch sử là 3 lần đánh thắng quân Mông – Nguyên khiến cho cả Thế giới khiếp sợ.
Ý thức rằng:
Lịch sử của Dân tộc là những nỗi đau bất hạnh kéo dài triền miên. Sự thờ ơ với lịch sử của mỗi người Việt Nam chính là con dao giết chết Dân tộc. Và làn sóng xâm lăng của ngoại bang là không bao giờ kết thúc.
Vậy nên:
Là người Việt Nam, không nhất thiết phải giỏi lịch sử. Nhưng phải biết và phải hiểu lịch sử Nước nhà. Không làm rạng danh được tổ tiên thì phải để cho con cháu được tự hào.