Hiển thị các bài đăng có nhãn Đại Nam. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đại Nam. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2019

Xứ Trung Kỳ



Năm 1834, Hoàng đế Minh Mạng chia cả nước thành 3 kỳ để thuận tiện cho việc quản lý Đất nước.

Trong giai đoạn từ 1834-1884, vùng đất Trung Kỳ là một vùng quản hạt của nước Đại Nam độc lập. Theo đó, Hoàng đế Minh Mạng đã lấy Phủ Thừa Thiên làm trung tâm, do triều đình trực tiếp quản lý. Chia các tỉnh phía bắc phủ thừa thiên thành Hữu Kỳ và các tỉnh phía nam phủ thừa thiên thành Tả Kỳ.

Hữu Kỳ gồm 5 tỉnh là: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.

Tả Kỳ gồm 6 tỉnh là: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận.

Hoàng Đế Minh Mạng đặt ra chức tổng đốc quản hạt từ 2 đến 3 tỉnh.

Tổng thảy toàn bộ Trung Kỳ được đặt dưới quyền quản hạt của 6 vị tổng đốc là:

Tổng đốc Thanh Hóa,
Tổng đốc An-Tĩnh (Nghệ An và Hà Tĩnh),
Tổng đốc Bình-Trị (Quảng Bình và Quảng Trị),
Tổng đốc Nam-Ngãi (Quảng Nam và Quảng Ngãi),
Tổng đốc Bình-Phú (Bình Định và Phú Yên),
Tổng đốc Thuận-Khánh (Bình Thuận và Khánh Hòa)),
Và 1 vị phủ doãn phủ Thừa Thiên.

Đứng đầu mỗi tỉnh Trung Kỳ, cũng giống toàn bộ 30 tỉnh trong cả nước (trừ phủ Thừa Thiên), đều là một viên quan tuần phủ.

Cương vực Trung Kỳ thời nhà Nguyễn bao gồm cả những phần đất nay thuộc về lãnh thổ Lào (là những vùng đất thuộc địa giới các tỉnh bắc Trung Kỳ từ Thanh Hóa đến Quảng Trị) tức là Hữu Kỳ và 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Nhưng Trung Kỳ không bao gồm Tây Nguyên.

Đà Nẵng và Ninh Thuận ngày nay, vào thời nhà Nguyễn đã nằm trong Trung Kỳ nhưng thuộc địa giới của 2 tỉnh Quảng Nam và Bình Thuận (Đà Nẵng thuộc Quảng Nam, Ninh Thuận thuộc Bình Thuận).

Trừ 3 tỉnh bắc Trung Kỳ là Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh (là đất của người Việt cổ), thì phần lớn còn lại của Trung Kỳ (từ đèo Ngang đến hết Bình Thuận) từng là đất đai của vương quốc Chăm Pa.

Theo hiệp ước Harmand 1883 thì Trung Kỳ (tiếng Pháp gọi là Annam) kéo dài từ địa giới phía bắc tỉnh Bình Thuận đến Đèo Ngang (tức là tách 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh ở phía bắc và tỉnh Bình Thuận ở phía nam ra khỏi Trung Kỳ (An Nam).

Pháp đặt một viên Công sứ (Résident) tại Huế thay mặt cho chính quyền bảo hộ của Pháp tại Trung Kỳ.

Hiệp ước Patenôtre 1884 quy định lại ranh giới Trung Kỳ: từ địa giới phía nam tỉnh Bình Thuận trở ra đến địa giới phía nam tỉnh Ninh Bình như cũ.

Thực dân Pháp đặt chức "Tổng Công sứ Trung – Bắc Kỳ", gọi tắt là Tổng sứ,thay mặt cho chính phủ Pháp chủ trì mọi công việc đối ngoại của triều đình Việt Nam và thường được gọi là "Toàn quyền lưỡng kỳ" hoặc "Toàn quyền Trung – Bắc Kỳ".

Chức Tổng sứ bị bãi bỏ năm 1889, Khâm sứ Trung Kỳ đảm nhiệm các công việc cho chính phủ Pháp bên cạnh Triều đình.

Như vậy Trung Kỳ (chữ Hán: 中圻) là tên gọi do vua Minh Mạng đặt ra cho phần giữa của Việt Nam năm 1834. Người Pháp sau khi chiếm toàn bộ Việt Nam năm 1884, đã đặt Trung Kỳ thành một xứ bảo hộ nằm trong Đông Dương thuộc Pháp, và gọi là Vương quốc An Nam. Trung Kỳ là một trong ba kỳ tạo nên nước Việt Nam. Sau khi Việt Nam giành được độc lập (1945), tên gọi này được thay bằng tên gọi Trung Bộ. Việt Nam Cộng hòa thì thay bằng tên gọi Trung phần (để chỉ phần đất Trung Kỳ thuộc Việt Nam Cộng hòa).

Lời của tác giả.
Nhớ rằng:
Đất nước của chúng ta trải qua hơn 1000 năm bị giặc Tàu phương Bắc đô hộ, mối nhục này chúng ta đâu thể quên.
Tự hào rằng:
Đất nước của chúng ta với truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm oai hùng của các bậc tiền nhân đi trước. Lẫy lừng nhất trong lịch sử là 3 lần đánh thắng quân Mông – Nguyên khiến cho cả Thế giới khiếp sợ.
Ý thức rằng:
Lịch sử của Dân tộc là những nỗi đau bất hạnh kéo dài triền miên. Sự thờ ơ với lịch sử của mỗi người Việt Nam chính là con dao giết chết Dân tộc, với làn sóng xâm lăng của ngoại bang là không bao giờ kết thúc.
Vậy nên:
Là người Việt Nam, không nhất thiết phải giỏi lịch sử. Nhưng phải biết và phải hiểu lịch sử Nước nhà. Không làm rạng danh được tổ tiên thì phải để cho con cháu được tự hào.

Thứ Năm, 23 tháng 5, 2019

Bắc Kỳ





1802 Hoàng đế Gia Long đặt Tổng trấn Bắc thành. Theo đó, Bắc thành gồm 1 trấn thành là Thành Thăng Long. 5 nội trấn là: Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ. 6 ngoại trấn là: Quảng Yên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hưng Hóa.


Đứng đầu Bắc thành là chức Tổng trấn. Đứng đầu 11 trấn là chức Trấn thủ.

1822 Hoàng đế Minh Mạng đổi tên trấn Sơn Nam Thượng thành trấn Sơn Nam và trấn Sơn Nam Hạ thành trấn Nam Định.

1831 Hoàng đế Minh Mạng bỏ trấn lập tỉnh. Tổng trấn Bắc thành được chia thành 13 tỉnh là: Hà Nội (Trung tâm Bắc thành), 4 tỉnh nội trấn là: Sơn Tây, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên. 8 tỉnh ngoại trấn là: Nam Định, Ninh Bình, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Yên.

Năm 1834 Minh Mạng chia cả nước thành 3 kỳ. Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ.

Như vậy, địa danh Bắc Kỳ ra đời vào thời Hoàng đế Minh Mạng (1834) dùng để quản hạt các tỉnh miền bắc Việt Nam từ Ninh Bình trở ra.

Đứng đầu mỗi tỉnh là chức quan Tuần Phủ. Toàn bộ Bắc Kỳ được quản hạt bởi 4 viên tổng đốc và 1 tuần phủ gồm:


Tổng đốc Sơn Tây - Hưng Hóa - Tuyên Quang (còn gọi là Tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên hay Tổng đốc Tam tuyên, với tuyên là tên gọi tắt của thừa tuyên tức đơn vị hành chính thời Lê sơ tiền thân của tỉnh) đóng ở Sơn Tây.

Tổng đốc Hà Nội - Ninh Bình (Tổng đốc Hà - Ninh) đóng ở Hà Nội.

Tổng đốc Hải Dương -Quảng Yên (Tổng đốc Hải - Yên) đóng ở Hải Dương.

Tổng đốc Thái Nguyên - Bắc Ninh (Tổng đốc Ninh - Thái) đóng ở Bắc Ninh.

Tuần phủ Lạng Sơn - Cao Bằng (Tuần phủ Lạng - Bình) đóng ở Lạng Sơn.

Theo Hòa ước Giáp Tuất 1874 Thực dân Pháp lập 2 khu nhượng địa ở khu Đồn Thủy (Hà Nội) và khu cảng Hải Phòng (Tỉnh Hải Dương).

Theo Hiệp ước Hác Măng 1883, định danh từ đèo ngang trở ra bắc thuộc quản hạt Bắc Kỳ.

Tuy nhiên theo Hiệp ước Patơnot 1884, quy định Bắc Kỳ là từ tỉnh Ninh Bình trở ra bắc.

Đến năm 1885, Bắc Kỳ gồm 13 tỉnh và 2 khu nhượng địa của Pháp.
Từ đây, Thực dân Pháp tiến hành chia tách các tỉnh Bắc Kỳ thành các tỉnh nhỏ hơn, chia tách các tộc người theo tỉnh mới nhằm phục vụ việc cai trị của chúng. 1888 Bắc kỳ cơ bản trở thành một xứ tách biệt trong liên bang Đông Dương.

1920 Bắc kỳ có 29 tỉnh gồm: 2 thành phố tự trị là Hà Nội và Hải Phòng, 2 thành phố thuộc tỉnh là Nam Định và Hải Dương, 4 đạo quan binh và 23 tỉnh là: Hải Dương, Nam Định, Hà Đông, Sơn Tây, Bắc Ninh, Hưng Yên, Ninh Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Yên, Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Bắc Giang, Sơn La, Kiến An, Vĩnh Yên, Yên Bái, Bắc Cạn, Phúc Yên, Lào Cai.

TP Nam Định của thuộc tỉnh Nam Định và TP Hải Dương thuộc tỉnh Hải Dương.

Về danh nghĩa, Bắc Kỳ thuộc lãnh thổ Đại Nam, nhưng thực tế, xứ này bị cai trị bởi thực dân pháp.

Danh xưng Tonkin.

Người Pháp gọi Bắc Kỳ là Tonkin. Tonkin" vốn là đọc trại âm tên Hán-Việt của địa danh Hà Nội, thời nhà Lê gọi là Đông Kinh (東京). Vì đó cũng là trung tâm hành chính và thương mại miền Bắc nên Tonkin được người phương Tây dùng để chỉ toàn xứ Đàng Ngoài thời Trịnh - Nguyễn phân tranh.

Sang thế kỷ 19 địa danh "Tonkin" được người Pháp chỉ định riêng xứ Bắc Kỳ của triều Minh Mạng trở đi. Tuy tên Tonkin không còn dùng về mặt hành chính nhưng thường được dùng để gọi Vịnh Bắc Bộ trên các văn bản quốc tế.

Phân biệt kỳ thị

Trước 1975, 2 từ Bắc Kỳ được sử dụng rộng rãi ở miền Nam, ít người xem đây là sự kỳ thị. Ví dụ: cố nhạc sĩ Phạm Duy, một người gốc Hà Nội sống ở miền Nam trước 1975 có một sáng tác mang tên "Cô Bắc kỳ nho nhỏ"

Ngày nay từ "Bắc Kỳ" chỉ được sử dụng trong những tài liệu, văn bản lịch sử. 

Tại miền Nam, một số người sử dụng từ Bắc Kỳ một cách vô tình hoặc cố ý gán với những thành kiến nhất định, nên người miền Bắc dần xem đây là từ thể hiện sự kỳ thị vùng miền.

Lời của tác giả.
Nhớ rằng:
Đất nước của chúng ta trải qua hơn 1000 năm bị giặc Tàu phương Bắc đô hộ, mối nhục này chúng ta đâu thể quên.
Tự hào rằng:
Đất nước của chúng ta với truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm oai hùng của các bậc tiền nhân đi trước. Lẫy lừng nhất trong lịch sử là 3 lần đánh thắng quân Mông – Nguyên khiến cho cả Thế giới khiếp sợ.
Ý thức rằng:
Lịch sử của Dân tộc là những nỗi đau bất hạnh kéo dài triền miên. Sự thờ ơ với lịch sử của mỗi người Việt Nam chính là con dao giết chết Dân tộc, với làn sóng xâm lăng của ngoại bang là không bao giờ kết thúc.
Vậy nên:


Là người Việt Nam, không nhất thiết phải giỏi lịch sử. Nhưng phải biết và phải hiểu lịch sử Nước nhà. Không làm rạng danh được tổ tiên thì phải để cho con cháu được tự hào.

Thứ Ba, 26 tháng 3, 2019

Thực Dân Pháp Đánh Phá Thành Gia Định - 1859



Trong phần trước, chúng ta đã tìm hiểu về sự kiện: Liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng xâm lược nước ta vào ngày 1-9-1858 tại Đà Nẵng. Nhưng chúng đã vấp phải sự kháng cự của quân nhà Nguyễn.

Sang năm 1859, Liên quân Pháp – Tây Ban Nha đã rút hai phần ba quân số và 8 chiếc tàu chiến ra khỏi Đà Nẵng. Vậy chúng đi đâu? và sẽ làm gì tiếp theo?

Trong phần này, chúng ta sẽ được biết tới sự kiện mới: Thực dân Pháp đánh chiếm thành Gia định – năm 1859.

Thất bại trong chiến lược: “Đánh nhanh thắng nhanh” của: Liên quân Pháp – Tây Ban Nha tại Đà Nẵng. Không những thế, chúng còn bị cầm chân ở bán đảo Sơn Trà. Tướng Genouilly buộc phải thay đổi kế hoạch chuyển quân vào nam để tiến hành đánh chiếm thành Gia Định.

Lý do Thực dân Pháp tiến hành đánh thành Gia Định:

Trong thư ngày 29 tháng 1 năm 1859 của Genouilly gửi Bộ trưởng Hải quân Pháp ở Paris có đoạn: "Sài Gòn nằm trên một con sông mà chiến thuyền của chúng ta dễ vào, và hễ quân lên bộ thì đánh thành ngay, không phải lưng cõng, vai mang, băng đồng mệt nhọc. Sài Gòn lại là một vựa thóc. Dân chúng và binh lính ở kinh thành Huế sống một phần nhờ gạo Sài Gòn. Đến tháng Ba thì thuyền chở thóc gạo, sẽ kéo buồm từ Sài Gòn ra Huế. Chúng tôi quyết chặn thóc gạo đó lại..."

Như vậy, việc Pháp chọn mặt trận thứ hai ở Gia Định, cũng không nằm ngoài mục đích muốn chiếm đóng và tìm kiếm lợi lộc từ Đại Nam. Nếu không thể "đánh nhanh, thắng nhanh" ở Đà Nẵng được. thì Gia Định quả là một địa bàn thuận lợi hơn Hà Nội. bởi ở đây có một hệ thống sông rạch chằng chịt, nhiều sản vật, nhiều của cải và nhiều lúa gạo nhất Đại Nam. Cho nên, Genouilly mong muốn chiếm lĩnh Gia Định để có thể "vừa xây dựng căn cứ, vừa phòng thủ", "vừa hành binh, vừa lưu thông thương mại dễ dàng". Ngoài việc cắt đứt con đường tiếp tế lương thực cho Huế như đã nêu, thực dân Pháp sẽ có thêm điều kiện thuận lợi để thực hiện ý đồ làm chủ lưu vực sông Mê Kông, và xa hơn nữa là ngược sông Mê Kông lên phía Bắc và sang Vân Nam – Trung Quốc.

Diễn biến:

Từ nhận định trên, ngày 2 tháng 2 năm 1859, tướng De Genouilly đem số tàu và số quân đã kể trên, tiến vào Nam.

Ngày 10 tháng 2, đại bác Pháp bắn vào Vũng Tàu. Ngày 11 tháng 2, đoàn tàu chiến Pháp vào sông Cần Giờ. Sau đó, quân Pháp vừa đi vừa tháo gỡ những chướng ngại vật trên sông và triệt phá 12 đồn trại của quân Việt ở hai bên bờ, nên mãi tới chiều 15 tháng 2, quân Pháp mới đến được ụ Hữu Bình. Tức thì, cuộc đấu pháo đã diễn ra dữ dội suốt đêm. Quân Việt dùng thuyền nhỏ chở đầy thuốc súng và rơm khô, định dùng kế hoả công nhưng bị quân Pháp biết, sai người lén đốt trước.

Sáng sớm hôm sau, tức ngày 16 tháng 2, bảy tàu chiến Pháp dàn trận rồi ra sức bắn phá cho đến khi quân Việt phải bỏ chạy và quân Pháp xông lên chiếm được pháo đài. Và ngày hôm sau nữa (17 tháng 2), các tàu chiến Pháp đã có mặt trước thành Gia Định.

Nhờ cho hai tàu nhỏ vào rạch Thị Nghè thám thính, cộng thêm sự chỉ dẫn của giáo sĩ Lefèbvre, nên các sĩ quan Pháp đã hiểu khá rõ lực lượng và cách bố phòng của thành Gia Định.

Sáng sớm ngày 17 tháng 2, tướng De Genouilly cho đại bác trên tất cả các tàu chiến bắn yểm hộ rồi cho một cánh quân đổ bộ. Đội quân ấy đi theo con đường mà sau này (1865), Pháp đặt tên là đường Citadelle rồi dùng chất nổ phá thành. Pháo trên thành bắn xuống tàu giặc nhưng không mấy hiệu quả. Khi đánh thủng được cửa Đông, quân Pháp dùng thang cao leo vào thành, thì đôi bên liền xông vào đánh giáp lá cà. Đến khoảng 10 giờ trưa, Hộ đốc Võ Duy Ninh, đang giữ trọng trách trấn thủ thành, ra lệnh lui quân, bỏ lại hầu hết súng đạn, thóc gạo và hơn trăm chiến thuyền gỗ trên sông Thị Nghè.

Chạy đến thôn Phước Lý (thuộc tổng Phước Lộc, huyện Tân Bình xưa) Hộ đốc Võ Duy Ninh và Án sát Lê Từ tự vẫn, còn Đề đốc Trần Trí, Bố chánh Vũ Thực, Lãnh binh Tôn Thất Năng, nhờ sự yểm trợ của đạo quân ứng nghĩa do Lê Huy và Trần Thiệu Chính chỉ huy, nên mang quân chạy về được ụ Tây Thới.

Theo A. Thomazi: Trong thành Gia Định lúc này có hơn 2.000 quân với 200 đại bác bằng sắt, bằng đồng, một hải phòng hạm, bảy chiến thuyền, 25.000 kg thuốc súng, tiền bạc trị giá tương đương 130.000 francs, thực phẩm đủ nuôi 8.000 quân trong một năm.

Tuy thắng trận, nhưng thực dân Pháp không đủ quân để giữ thành, không nhận được sự hỗ trợ từ các giáo sĩ và giáo dân Thiên Chúa giáo và luôn bị các đội nghĩa quân ngày đêm bám sát, tìm cách bao vây, nên quân Pháp đã phải quyết định phá hủy thành Gia Định.

Vào ngày 8 tháng 3 năm 1859, tướng De Genouilly cho đặt mấy chục ổ thuốc nổ phá tung nhiều đoạn trường thành, đốt dinh thự kho tàng bên trong, đốt cả thóc lúa.

Kể lại vụ việc này, sách Địa chí TP. Hồ Chí Minh, tập I, có đoạn: “Kho thóc thành Gia Định cháy mãi hai năm mà khói còn nghi ngút. Hai mươi bốn tháng nắng mưa không làm tắt được đám cháy nào. Quân Pháp cũng cướp giật, đốt luôn nhiều phố xá thương mãi và thôn xóm dân cư”.

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã ghi:

Bến Nghé của tiền tan bọt nước,
Đồng Nai tranh ngói nhuộm màu mây...

Phá tan thành Gia Định xong, De Genouilly chỉ để lại một số quân đóng giữ ở đồn Hữu Bình), còn bao nhiêu rút hết xuống các tàu chiến.

Ngày 20 tháng 4 năm 1859, viên tướng trên giao quyền cho Đại tá hải quân Jauréguibery chiếm giữ Gia Định, rồi lui tàu trở lại mặt trận Đà Nẵng, vì lúc này quân Pháp ở đó đang bị nguy khốn vì thương vong và dịch bệnh.

Phản ứng của Nhà Nguyễn:

Nghe tin Gia Định thất thủ, triều đình Huế vẫn chủ trương để đại quân phòng ngự Đà Nẵng, chỉ phái thượng thư bộ Hộ Tôn Thất Hiệp mang 15.000 quân vào đóng ở Biên Hòa".

Tổng đốc Long Tường Trương Văn Uyển một mặt gửi sớ về triều đình báo tin thất thủ Gia Định, mặt khác ông cũng triệu tập các trấn thủ khác ở An Giang, Định Tường, Hà Tiên hợp sức chống cự. Tổng đốc Trương Văn Uyển kéo quân tới đồn Lão Sầm, gần chùa Mai Sơn để tấn công nhưng quân Pháp đổ ra bao vây, quân nhà Nguyễn phải lui về cố thủ Vĩnh Long và trong trận này, chủ tướng của quân Nguyễn bị trọng thương.

Theo như nhận định của Nguyễn Phan Quang, "một cuộc giải phóng đất nước đã mở ra" nhưng tướng nhà Nguyễn chỉ huy mặt trận Gia Định là Tôn Thất Hiệp lại chủ trương "án binh bất động" để "làm nản lòng địch". Do vậy, thời cơ đánh bật quân xâm lược ra khỏi bờ cõi bị bỏ qua.

Quân Pháp tuy đã hạ được thành Gia Định, nhưng phải đối phó với những đạo quân "ứng nghĩa" hoạt động sôi nổi ở khắp nơi, đêm ngày phục kích, đột kích, bao vây đối phương. Nhân dân cũng đã tự thiêu hủy nhà cửa, di tản hết, không hợp tác với Pháp. Tuy nhiên cũng có những người dân địa phương đã làm tay sai cho Pháp.

Trước sự kháng cự của quân và dân Nhà Nguyễn, đêm 21 tháng 4 năm 1859, quân Pháp ở đồn Hữu Bình bị thiệt hại khá nặng. Trong một báo cáo gửi về Bộ hải quân Pháp ở Paris, tướng De Genouilly đã than rằng:

 "Bây giờ tôi không biết bằng cách gì và đến chừng nào cái sự việc Nam Kỳ này sẽ được giải quyết.[11]Không thể không thừa nhận rằng cuộc chiến tranh với nước này còn khó hơn cuộc chiến tranh với vương quốc Trung Hoa".

Lời của tác giả.
Nhớ rằng:
Đất nước của chúng ta trải qua hơn 1000 năm bị giặc Tàu phương Bắc đô hộ, mối nhục này chúng ta đâu thể quên.
Tự hào rằng:
Đất nước của chúng ta với truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm oai hùng của các bậc tiền nhân đi trước. Lẫy lừng nhất trong lịch sử là 3 lần đánh thắng quân Mông – Nguyên khiến cho cả Thế giới khiếp sợ.
Ý thức rằng:
Lịch sử của Dân tộc là những nỗi đau bất hạnh kéo dài triền miên. Sự thờ ơ với lịch sử của mỗi người Việt Nam chính là con dao giết chết Dân tộc, với làn sóng xâm lăng của ngoại bang là không bao giờ kết thúc.
Vậy nên:
Là người Việt Nam, không nhất thiết phải giỏi lịch sử. Nhưng phải biết và phải hiểu lịch sử Nước nhà. Không làm rạng danh được tổ tiên thì phải để cho con cháu được tự hào.

Thực Dân Pháp Nổ Súng Xâm Lược Nước Ta - 1858


Video diễn biến cụ thể

Video tóm tắt


Sự kiện Liên quân Pháp – Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng năm 1858 là trận đánh mở đầu cho cuộc chiến tranh Pháp - Việt 1858-1884 trong lịch sử Việt Nam. Đây là cuộc chiến kéo dài nhiều ngày, khởi sự từ ngày 31 tháng 8 năm 1858 và kết thúc vào ngày 2 tháng 2 năm 1859, để chuyển sang một giai đoạn khác.

Năm 1802, Chúa Nguyễn Ánh sau khi chinh Nam chiến Bắc, đánh bại nhà Tây Sơn, phục hưng gia tộc của mình, đã lên ngôi Hoàng đế lấy đế hiệu là Gia Long, đặt tên nước là Việt Nam. Lúc này, Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền rộng lớn và mạnh nhất Đông Nam Á.

Giữa thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh ở các nước Phương Tây đòi hỏi thị trường và nguồn nguyên liệu rộng lớn. Các nước tư bản phương Tây mở những cuộc chiến tranh giành giật thuộc địa. Các quốc gia phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng đã trở thành nạn nhân trực tiếp của cuộc chiến tranh đó.

Trong khi đó, Việt Nam vẫn là một quốc gia phong kiến tập quyền lạc hậu, đòi hỏi phải có một cuộc cải cách đột phá, mở cửa thông thương để thoát khỏi việc trở thành thuộc địa. Mặc dù dưới thời Minh Mạng đã tiến hành cải cách. Nhưng đây là cuộc cải cách ăn theo lối mòn. Việt Nam áp dụng triệt để mô hình của Nhà Thanh, kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp, công thương nghiệp đình trệ, cấm đạo và bế quan tỏa cảng.

Lợi dụng các mối quan hệ đã có từ thời chúa Nguyễn Ánh, và sự suy yếu của chế độ phong kiến Việt Nam, Pháp và Tây Ban Nha đã viện cớ Nhà Nguyễn cấm đạo Thiên Chúa, bắt bớ và giết hại nhiều giáo sĩ, giáo dân; để tiến hành cuộc chiếm cứ nước Việt.
Sau hai trận thăm dò và thử sức lực lượng phòng thủ của Nhà Nguyễn ở Đà Nẵng  vào ngày 15 tháng 4 năm 1847 và ngày 26 tháng 9 năm 1857, Hội đồng Nam Kỳ đã đệ trình và đã được Hoàng đế Napoléon III chấp thuận chọn Đà Nẵng làm điểm khởi đầu trong kế hoạch đánh chiếm Việt Nam.

Lý do Pháp chọn Đà Nẵng:

Một – Đà Nẵng là một hải cảng sâu và rộng, thuận lợi cho tàu chiến Pháp triển khai và ra vào.

Hai – Đà Nẵng cách kinh đô Huế khoảng 100km về phía nam, lại  nằm trên trục đường Bắc – Nam, có thể sang Lào, Căm Bốt. Điều này với Pháp là rất thuận lợi cho việc "đánh nhanh thắng nhanh".

Ba – Quân số của Nhà Nguyễn tại Đà Nẵng không thực sự đông đảo và vũ khí khá lạc hậu so với liên quân.

Bốn - Đà Nẵng còn có cánh đồng Nam – Ngãi để nuôi quân

Năm - còn có nhiều giáo sĩ và giáo dân thân Pháp.

Cho nên đánh chiếm được Đà Nẵng, vượt đèo Hải Vân, rồi tấn công Huế; chính là con đường ngắn nhất, nhanh chóng nhất, ít hao tốn tiền của và nhân lực nhất để thực hiện được ý đồ của Pháp và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, phải chờ đến sau Hiệp ước Thiên Tân (28 tháng 6 năm 1858) được ký kết, quân đội Pháp ở Viễn Đông mới có thể rảnh tay tập trung về Đại Nam.

Lực lượng đôi bên:

Lực lượng liên quân Pháp – Tây Ban Nha có khoảng 3.000 quân, được bố trí trên 14 tàu chiến, trong số đó có những tàu lớn được trang bị tới 50 khẩu đại bác, có sức công phá lớn và sát thương cao.

Lực lượng quan quân Nhà Nguyễn ở Đà Nẵng có 2.070 lính chính quy (theo Đại Nam thực lục) dưới quyền chỉ huy của Tổng đốc Nam Ngãi Trần Hoằng, khi trận chiến nổ ra được chi viện thêm 2.000 người nữa, do Hữu quân đô thống Lê Đình Lý chỉ huy từ Huế vào.

Nhà Nguyễn còn có hệ thống đồn lũy phong phú ở Đà Nẵng như: đồn An Hải, đồn Điện Hải, pháo đài Định Hải… Ở các pháo đài, có nhiều đại bác và vũ khí các loại...
Diễn biến:
Quân Pháp do phó Đô đốc Hải quân Rigault de Genouilly cùng với quân Tây Ban Nha do Đại tá Lanzarotte chỉ huy, đưa tàu chiến từ Hải Nam xuống phía Nam. Chiều tối ngày 31 tháng 8 năm 1858, toàn bộ lực lượng trên đã có mặt trước cửa biển Đà Nẵng.
Sáng ngày 1 tháng 9, De Genouilly gửi tối hậu thư cho quan Trấn thủ Đà Nẵng, yêu cầu trong hai giờ phải hạ khí giứi và giao nộp tỉnh thành. Không đợi trả lời, liên quân Pháp – Tây Ban Nha nã đại bác liên hồi vào cửa sông Hàn và các đồn ở bán đảo Sơn Trà.

Theo kế hoạch, liên quân gồm hai bộ phận.

Bộ phận thứ nhất gồm ba tàu chiến, tập trung hỏa lực bắn vào các đồn ở Sơn Trà.

Bộ phận thứ hai nhanh chóng tiến gần vào cửa sông Hàn, để bắn vào đồn Đông và đồn Tây đang án ngữ. Và ngay hôm đó, đồn Đông bị vỡ.

Sáng hôm sau (2 tháng 9), liên quân tiếp tục nã đại bác, chiếm lấy đồn Tây, rồi đổ bộ lên bán đảo Sơn Trà, chiếm đồn An Hải và đồn Điện Hải chỉ nội một ngày.

Trước vũ khí mạnh hơn, quân Việt vừa đánh vừa lui dần ra sau, lập phòng tuyến Liêu Trì trước huyện Hòa Vang để ngăn liên quân vào nội địa.

Nhận được tin Đà Nẵng bị tấn công, vua Tự Đức liền sai Chưởng vệ Đào Trí vào để hiệp cùng Tổng đốc Nam Ngãi Trần Hoằng chống giặc, nhưng khi ông Trí đến nơi thì hai đồn An Hải và Điện Hải đã mất. Vua Tự Đức lại sai Hữu quân đô thống – Lê Đình Lý và Tham tri bộ Hộ – Phạm Khắc Thận đem 2.000 quân vào ứng cứu, cử Tham tri nội các – Nguyễn Duy giữ chức chỉ huy quân thứ ở Quảng Nam, và ra lệnh cách chức Trần Hoằng vì tội đã án binh bất động, đưa Đào Trí lên thay.

Đánh chiếm được Sơn Trà, liên quân Pháp - Tây Ban Nha tiến vào nội địa, đánh tan phòng tuyến bằng ụ đất, rào tre của quân Việt ở xã Mỹ Thị, rồi tràn sang chiếm xã Cẩm Lệ. Tướng Lê Đình Lý bị trọng thương rồi mất trong trận chiến này. Tướng Hồ Đức Tư, trấn giữ đồn Hóa Khuê, bị vua Tự Đức sai bắt giam và bị cách chức, vì tội không tiếp ứng mà án binh bất động.

Hữu quân – Lê Đình Lý mất, nhà vua cử Thống chế – Chu Phúc Minh làm Tổng đốc quân vụ thay Lê Đình Lý. Rồi điều Kinh Lược Sứ Nam Kỳ – Nguyễn Tri Phương về làm Tổng thống quân vụ Quảng Nam; cử thêm Phạm Thế Hiển làm Tham tán, để cùng gấp rút chấn chỉnh quân chánh và thống nhất phương thức chống ngoại xâm.
Năm được tình hình, Nguyễn Tri Phương chủ trương không đánh chính diện để tránh sức mạnh hỏa lực giặc, mà cho phục kích, thực hiện "vườn không, nhà trống"  và cho đắp lũy dài từ Hải Châu vào tới Phúc Ninh, Thanh Giản, để bao vây liên quân ngoài mé biển.

Suốt 5 tháng bị cầm chân, liên quân Pháp – Tây Ban Nha lâm vào tình cảnh khốn đốn. Do không hợp thủy thổ, binh lính sinh bệnh lại thiếu lương thực trầm trọng.

Ngày 2 tháng 2 năm 1859, chỉ để lại một phần ba số quân (khoảng 1.000 người) và 6 tàu chiến, bàn giao cho Đại tá Faucon nắm giữ, còn bao nhiêu De Genouilly cho rút hết vào Nam, mở mặt trận mới ở Gia Định.

Như vậy, sự kiện ngày 1 tháng 9 năm 1858, đánh dấu việc khởi đầu quá trình xâm lược Việt Nam của Thực dân Pháp.


Lời của tác giả.
Nhớ rằng:
Đất nước của chúng ta trải qua hơn 1000 năm bị giặc Tàu phương Bắc đô hộ, mối nhục này chúng ta đâu thể quên.
Tự hào rằng:
Đất nước của chúng ta với truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm oai hùng của các bậc tiền nhân đi trước. Lẫy lừng nhất trong lịch sử là 3 lần đánh thắng quân Mông – Nguyên khiến cho cả Thế giới khiếp sợ.
Ý thức rằng:
Lịch sử của Dân tộc là những nỗi đau bất hạnh kéo dài triền miên. Sự thờ ơ với lịch sử của mỗi người Việt Nam chính là con dao giết chết Dân tộc, với làn sóng xâm lăng của ngoại bang là không bao giờ kết thúc.
Vậy nên:
Là người Việt Nam, không nhất thiết phải giỏi lịch sử. Nhưng phải biết và phải hiểu lịch sử Nước nhà. Không làm rạng danh được tổ tiên thì phải để cho con cháu được tự hào.