Video diễn biến cụ thể
Video tóm tắt
Sự
kiện Liên quân Pháp – Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng năm 1858 là trận đánh mở đầu
cho cuộc chiến tranh Pháp - Việt 1858-1884 trong lịch sử Việt Nam. Đây là cuộc
chiến kéo dài nhiều ngày, khởi sự từ ngày 31 tháng 8 năm 1858 và kết thúc vào
ngày 2 tháng 2 năm 1859, để chuyển sang một giai đoạn khác.
Năm
1802, Chúa Nguyễn Ánh sau khi chinh Nam chiến Bắc, đánh bại nhà Tây Sơn, phục hưng
gia tộc của mình, đã lên ngôi Hoàng đế lấy đế hiệu là Gia Long, đặt tên nước là
Việt Nam. Lúc này, Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền rộng lớn và mạnh nhất
Đông Nam Á.
Giữa
thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh ở các nước Phương Tây đòi hỏi thị
trường và nguồn nguyên liệu rộng lớn. Các nước tư bản phương Tây mở những cuộc
chiến tranh giành giật thuộc địa. Các quốc gia phương Đông nói chung, Việt Nam
nói riêng đã trở thành nạn nhân trực tiếp của cuộc chiến tranh đó.
Trong
khi đó, Việt Nam vẫn là một quốc gia phong kiến tập quyền lạc hậu, đòi hỏi phải
có một cuộc cải cách đột phá, mở cửa thông thương để thoát khỏi việc trở thành
thuộc địa. Mặc dù dưới thời Minh Mạng đã tiến hành cải cách. Nhưng đây là cuộc
cải cách ăn theo lối mòn. Việt Nam áp dụng triệt để mô hình của Nhà Thanh, kinh
tế phụ thuộc vào nông nghiệp, công thương nghiệp đình trệ, cấm đạo và bế quan tỏa
cảng.
Lợi
dụng các mối quan hệ đã có từ thời chúa Nguyễn Ánh, và sự suy yếu của chế độ
phong kiến Việt Nam, Pháp và Tây Ban Nha đã viện cớ Nhà Nguyễn cấm đạo Thiên
Chúa, bắt bớ và giết hại nhiều giáo sĩ, giáo dân; để tiến hành cuộc chiếm cứ nước
Việt.
Sau
hai trận thăm dò và thử sức lực lượng phòng thủ của Nhà Nguyễn ở Đà Nẵng vào ngày 15 tháng 4 năm 1847 và ngày 26 tháng
9 năm 1857, Hội đồng Nam Kỳ đã đệ trình và đã được Hoàng đế Napoléon III chấp
thuận chọn Đà Nẵng làm điểm khởi đầu trong kế hoạch đánh chiếm Việt Nam.
Lý do Pháp chọn Đà Nẵng:
Một
– Đà Nẵng là một hải cảng sâu và rộng, thuận lợi cho tàu chiến Pháp triển khai
và ra vào.
Hai
– Đà Nẵng cách kinh đô Huế khoảng 100km về phía nam, lại nằm trên trục đường Bắc – Nam, có thể sang
Lào, Căm Bốt. Điều này với Pháp là rất thuận lợi cho việc "đánh nhanh thắng
nhanh".
Ba
– Quân số của Nhà Nguyễn tại Đà Nẵng không thực sự đông đảo và vũ khí khá lạc hậu
so với liên quân.
Bốn
- Đà Nẵng còn có cánh đồng Nam – Ngãi để nuôi quân
Năm
- còn có nhiều giáo sĩ và giáo dân thân Pháp.
Cho
nên đánh chiếm được Đà Nẵng, vượt đèo Hải Vân, rồi tấn công Huế; chính là con
đường ngắn nhất, nhanh chóng nhất, ít hao tốn tiền của và nhân lực nhất để thực
hiện được ý đồ của Pháp và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, phải chờ đến sau Hiệp ước
Thiên Tân (28 tháng 6 năm 1858) được ký kết, quân đội Pháp ở Viễn Đông mới có
thể rảnh tay tập trung về Đại Nam.
Lực lượng đôi bên:
Lực
lượng liên quân Pháp – Tây Ban Nha có khoảng 3.000 quân, được bố trí trên 14
tàu chiến, trong số đó có những tàu lớn được trang bị tới 50 khẩu đại bác, có sức
công phá lớn và sát thương cao.
Lực
lượng quan quân Nhà Nguyễn ở Đà Nẵng có 2.070 lính chính quy (theo Đại Nam thực
lục) dưới quyền chỉ huy của Tổng đốc Nam Ngãi Trần Hoằng, khi trận chiến nổ ra
được chi viện thêm 2.000 người nữa, do Hữu quân đô thống Lê Đình Lý chỉ huy từ
Huế vào.
Nhà
Nguyễn còn có hệ thống đồn lũy phong phú ở Đà Nẵng như: đồn An Hải, đồn Điện Hải,
pháo đài Định Hải… Ở các pháo đài, có nhiều đại bác và vũ khí các loại...
Diễn biến:
Quân
Pháp do phó Đô đốc Hải quân Rigault de Genouilly cùng với quân Tây Ban Nha do Đại
tá Lanzarotte chỉ huy, đưa tàu chiến từ Hải Nam xuống phía Nam. Chiều tối ngày
31 tháng 8 năm 1858, toàn bộ lực lượng trên đã có mặt trước cửa biển Đà Nẵng.
Sáng
ngày 1 tháng 9, De Genouilly gửi tối hậu thư cho quan Trấn thủ Đà Nẵng, yêu cầu
trong hai giờ phải hạ khí giứi và giao nộp tỉnh thành. Không đợi trả lời, liên
quân Pháp – Tây Ban Nha nã đại bác liên hồi vào cửa sông Hàn và các đồn ở bán đảo
Sơn Trà.
Theo
kế hoạch, liên quân gồm hai bộ phận.
Bộ
phận thứ nhất gồm ba tàu chiến, tập trung hỏa lực bắn vào các đồn ở Sơn Trà.
Bộ
phận thứ hai nhanh chóng tiến gần vào cửa sông Hàn, để bắn vào đồn Đông và đồn Tây
đang án ngữ. Và ngay hôm đó, đồn Đông bị vỡ.
Sáng
hôm sau (2 tháng 9), liên quân tiếp tục nã đại bác, chiếm lấy đồn Tây, rồi đổ bộ
lên bán đảo Sơn Trà, chiếm đồn An Hải và đồn Điện Hải chỉ nội một ngày.
Trước
vũ khí mạnh hơn, quân Việt vừa đánh vừa lui dần ra sau, lập phòng tuyến Liêu
Trì trước huyện Hòa Vang để ngăn liên quân vào nội địa.
Nhận
được tin Đà Nẵng bị tấn công, vua Tự Đức liền sai Chưởng vệ Đào Trí vào để hiệp
cùng Tổng đốc Nam Ngãi Trần Hoằng chống giặc, nhưng khi ông Trí đến nơi thì hai
đồn An Hải và Điện Hải đã mất. Vua Tự Đức lại sai Hữu quân đô thống – Lê Đình
Lý và Tham tri bộ Hộ – Phạm Khắc Thận đem 2.000 quân vào ứng cứu, cử Tham tri nội
các – Nguyễn Duy giữ chức chỉ huy quân thứ ở Quảng Nam, và ra lệnh cách chức Trần
Hoằng vì tội đã án binh bất động, đưa Đào Trí lên thay.
Đánh
chiếm được Sơn Trà, liên quân Pháp - Tây Ban Nha tiến vào nội địa, đánh tan
phòng tuyến bằng ụ đất, rào tre của quân Việt ở xã Mỹ Thị, rồi tràn sang chiếm
xã Cẩm Lệ. Tướng Lê Đình Lý bị trọng thương rồi mất trong trận chiến này. Tướng
Hồ Đức Tư, trấn giữ đồn Hóa Khuê, bị vua Tự Đức sai bắt giam và bị cách chức,
vì tội không tiếp ứng mà án binh bất động.
Hữu
quân – Lê Đình Lý mất, nhà vua cử Thống chế – Chu Phúc Minh làm Tổng đốc quân vụ
thay Lê Đình Lý. Rồi điều Kinh Lược Sứ Nam Kỳ – Nguyễn Tri Phương về làm Tổng
thống quân vụ Quảng Nam; cử thêm Phạm Thế Hiển làm Tham tán, để cùng gấp rút chấn
chỉnh quân chánh và thống nhất phương thức chống ngoại xâm.
Năm
được tình hình, Nguyễn Tri Phương chủ trương không đánh chính diện để tránh sức
mạnh hỏa lực giặc, mà cho phục kích, thực hiện "vườn không, nhà trống"
và cho đắp lũy dài từ Hải Châu vào tới
Phúc Ninh, Thanh Giản, để bao vây liên quân ngoài mé biển.
Suốt
5 tháng bị cầm chân, liên quân Pháp – Tây Ban Nha lâm vào tình cảnh khốn đốn.
Do không hợp thủy thổ, binh lính sinh bệnh lại thiếu lương thực trầm trọng.
Ngày
2 tháng 2 năm 1859, chỉ để lại một phần ba số quân (khoảng 1.000 người) và 6
tàu chiến, bàn giao cho Đại tá Faucon nắm giữ, còn bao nhiêu De Genouilly cho
rút hết vào Nam, mở mặt trận mới ở Gia Định.
Như
vậy, sự kiện ngày 1 tháng 9 năm 1858, đánh dấu việc khởi đầu quá trình xâm lược
Việt Nam của Thực dân Pháp.
Lời của tác giả.
Nhớ rằng:
Đất nước của chúng ta trải qua hơn 1000 năm bị giặc Tàu phương Bắc đô hộ, mối nhục này chúng ta đâu thể quên.
Tự hào rằng:
Đất nước của chúng ta với truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm oai hùng của các bậc tiền nhân đi trước. Lẫy lừng nhất trong lịch sử là 3 lần đánh thắng quân Mông – Nguyên khiến cho cả Thế giới khiếp sợ.
Ý thức rằng:
Lịch sử của Dân tộc là những nỗi đau bất hạnh kéo dài triền miên. Sự thờ ơ với lịch sử của mỗi người Việt Nam chính là con dao giết chết Dân tộc, với làn sóng xâm lăng của ngoại bang là không bao giờ kết thúc.
Vậy nên:
Là người Việt Nam, không nhất thiết phải giỏi lịch sử. Nhưng phải biết và phải hiểu lịch sử Nước nhà. Không làm rạng danh được tổ tiên thì phải để cho con cháu được tự hào.