Thời kì Bắc thuộc lần thứ
I kéo dài từ năm 111 TCN đến năm 39.
Năm 111 TCN, Nhà Hán
chính thức đặt nền đô hộ lên đất Việt sau khi xâm chiếm xong nước Nam Việt.
Chúng chia Nam Việt thành 9 quận, gồm: Nam Hải, Hợp Phố (Quảng Đông), Thương
Ngô, Uất Lâm (Quảng Tây), Chu Nhai, Đạm Nhĩ (đảo Hải Nam), Giao Chỉ, Cửu Chân,
Nhật Nam (Miền bắc Việt Nam).
160 TCN Hán Vũ Đế cử
Thạch Đái xuống Nam Việt làm thái thú, trụ sở đặt tại Long Uyên - Giao Chỉ
(ngày nay là quận Long Biên).
Hán thư ghi nhận quận
Giao Chỉ gồm có 10 huyện là: Liên Lâu, An Định, Câu Lậu, Mê Linh, Khúc Dương,
Bắc Đái. Kê Tử, Tây Vu, Long Biên, Chu Diên. Theo Hán thư, quận Giao Chỉ thời
Hán có 92.440 hộ.
Về quận trị của Giao Chỉ,
các sách sử cũ của Trung Quốc ghi không thống nhất. Hán thư ghi huyện Liên Lâu
đứng đầu, về nguyên tắc đó là quận trị. Sách Giao châu ngoại vực ký cũng chép
tương tự. Sách Thủy kinh chú lại xác định quận trị Giao Chỉ là huyện Mê Linh.
Quận Cửu Chân gồm có 7
huyện là: Tư Phố, Cư Phong, Đô Lung, Dư Phát, Hàm Hoan, Vô Thiết (hay Vô Biên),
Vô Biên. Quận trị Cửu Chân đặt tại huyện Tư Phố, thời Vương Mãng đổi gọi Tư Phố
là Hoan Thành. Cửu Chân thời Hán có 35.743 hộ.
Quận Nhật Nam do nhà Hán
mới đặt sau khi đánh chiếm Nam Việt, gồm có 5 huyện: Chu Ngô, Tây Quyển, Lô
Dung, Ty Ảnh và Tượng Lâm. Quận trị của Nhật Nam tại Tây Quyển. Thời nhà Tân,
Vương Mãng đổi gọi là Nhật Nam đình. Nhật Nam thời thuộc Hán có 15.460 hộ.
Quận Hợp Phố thời Tây Hán
gồm có 5 huyện: Từ Văn, Cao Lương, Hợp Phố, Lâm Doãn, Chu Lô với 15.398 hộ -
78.980 người. Thời Đông Hán gồm 5 huyện: Hợp Phố, Từ Văn, Cao Lương, Lâm
Nguyên, Chu Nhai với 23.121 hộ - 86.617 người. Quận trị Hợp Phố đặt tại huyện Từ
Văn (nay là huyện Từ Văn địa cấp thị Trạm Giang tỉnh Quảng Đông).
Quận Nam Hải bao gồm bốn
huyện: Phiên Ngung (Phiên Ngu), Tây Hội (Tứ Hội), Bác La, Long Xuyên; có thuyết
còn cho là gồm sáu huyện: Phiên Ngung, Tây Hội, Bác La, Long Xuyên, Liệt Giang,
Yết Dương. Thủ phủ của Nam Hải quận đặt tại Phiên Ngung, tức thành phố Quảng
Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc ngày nay.
Quận Uất Lâm gồm có 12
huyện: Bố Sơn, An Quảng, Hà Lâm, Quảng Đô, Trung Lưu, Quế Lâm, Đàm Trung, Lâm
Trần, Định Chu, Lĩnh Phương, Tăng Thực, Ung Kê. Quận trị Uất Lâm đặt tại huyện
Bố Sơn. Quận Uất Lâm thời Hán có 12.415 hộ - 71.162 người.
Quận Thương Ngô gồm có 10
huyện: Quảng Tín, Tạ Mộc, Cao Yếu, Phong Dương, Lâm Hạ, Đoan Khê, Phùng Thừa,
Phú Xuyên, Lệ Phổ, Mãnh Lăng. Quận trị Thương Ngô đặt tại huyện Quảng Tín. Quận
Thương Ngô thời Hán có 24.379 hộ - 146.160 người.
Thời Bắc thuộc lần 1,
trong vòng 150 năm không ghi nhận một cuộc nổi dậy chống đối đáng kể nào của
người Việt. Chỉ có những việc chống đối quy mô tương đối nhỏ, giết quan lại nhà
Hán, dù trong nhiều năm đã khiến nhà Hán phải điều động quân đội từ Kinh Sở
(Hoa Nam) xuống trấn áp nhưng không đủ mạnh để đuổi người Hán.
Năm 40, do sự tàn bạo của
thái thú Tô Định (trấn trị từ năm 34), hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị đã
nổi dậy chống sự cai trị của nhà Hán. Tô Định bỏ chạy về Trung Quốc, Hai Bà
Trưng xưng vương, xác lập quyền tự chủ của người Việt. Thời Bắc thuộc lần I
chấm dứt.
Lời của tác giả.
Nhớ rằng:
Đất nước của chúng
ta trải qua hơn 1000 năm bị giặc Tàu phương Bắc đô hộ, mối nhục này
chúng ta đâu thể quên.
Tự hào rằng:
Đất nước của chúng
ta với truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm oai hùng của các bậc
tiền nhân đi trước. Lẫy lừng nhất trong lịch sử là 3 lần đánh thắng
quân Mông – Nguyên khiến cho cả Thế giới khiếp sợ.
Ý thức rằng:
Lịch sử của Dân
tộc là những nỗi đau bất hạnh kéo dài triền miên. Sự thờ ơ với
lịch sử của mỗi người Việt Nam chính là con dao giết chết Dân tộc.
Và làn sóng xâm lăng của ngoại bang là không bao giờ kết thúc.
Vậy nên:
Là người Việt Nam,
không nhất thiết phải giỏi lịch sử. Nhưng phải biết và phải hiểu
lịch sử Nước nhà. Không làm rạng danh được tổ tiên thì phải để cho
con cháu được tự hào.