Hiển thị các bài đăng có nhãn Quan chức. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Quan chức. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 18 tháng 7, 2018

Lý Ông Trọng


Lý Ông Trọng
李翁仲
Tên húy
Lý Thân

Quê quán
Làng Chèm, Thụy Phương – Bắc Từ Liêm – Hà Nội
Đền thờ
Đình Chèm (Cùng quê)



Lý Ông Trọng là một nhân vật có thật trong lịch sử, được coi là “Tứ Đại Trụ Thần”, xuất hiện trong nhiều dị bản khác nhau của truyền thuyết dân gian.

Theo chính sử, Lĩnh Nam Chích Quái chép, Lý Ông Trọng là bậc dũng sĩ, vóc dáng cao to, khí chất phi phàm. Đại Việt sử ký toàn thư mô tả ông “cao 2 trượng 3 thước” (gần 2 mét), khí chất đoan dũng, khác với người thường”

SỰ NGHIỆP

LÀM QUAN NƯỚC VĂN LANG

Thời trẻ, Ông Trọng đến hương ấp làm lực dịch. Khi bị trưởng quan đánh đòn, ông than rằng: “Người ta ở đời có tráng chí, hãy nên như chim loan, chim phượng bay cao chín tầng trời, bay xa ngàn vạn dặm, chứ lẽ nào quanh quẩn mãi ở đây, chịu để cho người ta hành hạ?”. Từ đó Ông Trọng quyết chí tu thân, dùi mài kinh sử, sau sang nước Tần, được vua Tần trọng dụng, cho làm quan tới chức Tư lệ hiệu úy. Sự việc này được ghi chép lại trong cả Đại Việt sử ký và Việt Điện U Linh.

Theo truyền thuyết dân gian, Ông Trọng là người cương trực, trung hậu, thương dân, từng đánh nhau với tên lính huyện để bảo vệ dân phu, sau lại được Hùng Vương trọng dụng. Ông có công giúp vua Hùng dẹp yên bờ cõi, ngăn chặn quân địch từ phía Tây và phía Nam tiến vào Văn Lang.

THỜI KỲ ÂU LẠC

Đến thời An Dương Vương, ông trở thành tướng giỏi và được vua cử sang sứ nước Tần. Tần Thủy Hoàng thấy tướng mạo phi phàm của vị sứ giả phương Nam, biết không phải người phàm, bèn ngỏ ý mời ông giúp trừ giặc Hung Nô, phong ông làm Vạn Tín Hầu.

Năm 221 TCN (Năm thứ 26 triều Tần Thủy Hoàng), nước Tần thôn tính cả 6 nước vùng Trung Nguyên và xưng Đế. Thời đó mặc dù Tần Thuỷ Hoàng uy danh ngàn vạn dặm, nhưng biên giới phía Bắc luôn bị quân Hung Nô quấy nhiễu. Quân Tần có Vạn Lý Trường Thành nhưng vẫn phải nhiều phen khốn đốn, chống đỡ liên miên.

Tần Thủy Hoàng bèn phái Ông Trọng đến trấn giữ đất Lâm Thao, tức vùng đất tỉnh Cam Túc ngày nay. Uy danh của Ông Trọng khiến quân Hung Nô khiếp đảm, chỉ đứng nhìn từ xa mà cũng đủ hồn xiêu phách lạc. Sách Từ Nguyên Trung Quốc ghi: “Nguyễn Ông Trọng đời Tần, người Nam Hải, thân dài một trượng ba thước, khí chất đoan dũng, khác với người thường. Vua Thủy Hoàng sai cầm quân giữ đất Lâm Thao, thanh thế chấn động Hung Nô. Ông Trọng chết. Vua sai đúc tượng đồng để ở của Tư Mã, coi giữ cung Hàm Dương”.

Đại Nam quốc sử diễn ca viết về ông như sau:

“Hiếu liêm nhẹ bước thanh vân

Làm quan hiệu úy đem quân ngữ Hồ

Uy danh đã khiếp Hung Nô

Người về Nam quốc hình đồ Bắc phương.“


Bài thơ trong Lĩnh Nam chích quái, Truyện Lý Ông Trọng cũng có khen ngợi rằng:


“Võ giỏi văn tài đấng trượng phu

Hàm Dương đồng tượng khiếp quần Hồ

Vĩnh Khang ứng mộng bàn kinh truyện

Hương lửa trời Nam vững đế đồ.”


PHÒ MÃ ĐẠI TẦN

Từ khi có Lý Ông Trọng, quân Hung Nô không còn dám bén mảng tới biên giới nhà Tần. Vua Tần cũng vì thế mà rất mực tin yêu, muốn giữ chân ông nên bèn gả công chúa Bạch Tĩnh Cung, tức Tây Cung công chúa. Là một sứ giả người Việt, vừa được phong quan chức, lại trở thành phò mã như vậy, thật hiếm lắm thay.

Thế nhưng, danh tiếng và quyền thế nơi đất khách vẫn không thể giữ chân ông. Ông gửi lòng mình theo những áng mây trôi về phương Nam, ngày đêm mong ngóng sớm được đoàn tụ cùng gia viên. Khi biết Ông Trọng được vua Tần phê chuẩn cho trở lại cố hương, quân Hung Nô lại tiến quân sang quấy nhiễu. Không còn cách nào khác, Tần Thủy Hoàng phải sai sứ sang Âu Lạc thỉnh mời. Nhưng Ông Trọng tìm cách thoái thác, không muốn tiếp tục phục vụ nước Tần.

Truyền thuyết dân gian kể rằng ông phải giả chết, khiến vua Tần bất đắc dĩ đúc một pho tượng đồng khổng lồ hình Lý Ông Trọng. Pho tượng được đặt ở cửa Tư Mã Hàm cung. Bên trong pho tượng chứa được vài chục người, và có chỗ điều khiển để cử động tay chân. Khi quân Hung Nô định kéo sang cướp phá, từ xa thấy bức tượng đồng cứ ngỡ là Ông Trọng, phải vội vàng tháo chạy, không dám bén mảng tới nước Tần lần nữa.

LƯU DANH THIÊN CỔ NGÀN NĂM SAU

Nhiều trăm năm về sau, thanh danh của Lý Ông Trọng vẫn khiến nhiều tướng lĩnh Trung Hoa phải cúi đầu tôn kính. Đến đời Đức Tông nhà Đường, niên hiệu Trinh Nguyên năm đầu, Triệu Xương qua làm Đô Hộ nước An Nam ta thường qua chơi làng Vương (tên gọi Lý Ông Trọng trong Việt Điện U Linh).

Đêm mộng thấy cùng Vương nói chuyện trị dân, và giảng luận sách Xuân Thu tả truyện, nhân đó Triệu Xương mới hỏi thăm nhà cũ của Vương hồi xưa, thì chỉ thấy mù khói ngang trời, sông nước mênh mông, rêu phong đường đá. Ông mới lập lại đền thờ, xưởng cao lầu lớn, rồi chuẩn bị lễ vật đem đến tế Vương.

Đến lúc Cao Biền (tướng nhà Đường) đánh phá nước Nam Chiếu (là vương quốc của người Bạch và người Di ở Vân Nam Trung Quốc), Vương thường hiển linh trợ thuận. Cao Biền lấy làm kinh dị, sai thợ trùng tu đền thờ ông tráng lệ hơn xưa, và chạm khắc tượng gỗ son thếp vàng giống như thực, đem lễ vật đến tế, từ đó, hương hỏa không khi nào hết.

Đến thời Bắc Thuộc (từ năm 603 đến năm 938) đền thờ Lý Ông Trọng tiếp tục được cho xây dựng ở Thị Điềm, Thụy Phương (phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội ngày nay). Để tưởng nhớ Lý Ông Trọng, hằng năm ba làng: Thụy Phương, Hoàng Mạc và Liên Mạc tổ chức lễ hội đền Chèm từ 14 đến 16 tháng 5 âm lịch.

Ngày nay ở làng Chèm, huyện Từ Liêm, vẫn còn ngôi đền cổ thờ Lý Ông Trọng do vua Tần cho người xây dựng. Trải qua hàng nghìn năm phong ba cùng tuế nguyệt, ngôi đền vẫn còn giữ được pho tượng Lý Ông Trọng cao 8 mét, cùng với các câu đối và văn bia ghi lại thần tích về ông. Trong đó có câu: “Hương, Bổng, Đổng, Đằng là bốn vị tối linh của nước ta”. “Hương” ở đây là Lý Ông Trọng, người làng Chèm, xã Thụy Hương. Đức Thánh làng Chèm vì thế mà được xếp ngang hàng với Phù Đổng Thiên Vương, là một trong Tứ Đại Trụ Thần của nước ta thời xưa. Phạm Sư Mạnh nhà Trần có lời thơ về ông:

“Văn Lang thành cổ sơn trùng điệp

Ông Trọng từ thâm vân đạm nùng.”


Dịch


“Văn Lang thành cổ non trùng điệp

Ông Trọng đền thiêng mây nhạt nồng.”


Lời của tác giả.
Nhớ rằng:
Đất nước của chúng ta trải qua hơn 1000 năm bị giặc Tàu phương Bắc đô hộ, mối nhục này chúng ta đâu thể quên.
Tự hào rằng:
Đất nước của chúng ta với truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm oai hùng của các bậc tiền nhân đi trước. Lẫy lừng nhất trong lịch sử là 3 lần đánh thắng quân Mông – Nguyên khiến cho cả Thế giới khiếp sợ.
Ý thức rằng:
Lịch sử của Dân tộc là những nỗi đau bất hạnh kéo dài triền miên. Sự thờ ơ với lịch sử của mỗi người Việt Nam chính là con dao giết chết Dân tộc. Và làn sóng xâm lăng của ngoại bang là không bao giờ kết thúc.
Vậy nên:
Là người Việt Nam, không nhất thiết phải giỏi lịch sử. Nhưng phải biết và phải hiểu lịch sử Nước nhà. Không làm rạng danh được tổ tiên thì phải để cho con cháu được tự hào.



Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2018

Lữ Gia

Tên húy
Lữ Gia
 
Sinh
???
Mất
25/3 âm lịch (111 TCN)
Hiệu
Bảo Công

Chức tước
Thừa tướng

Triều đại
Nhà Triệu

Quê quán
Huyện Lôi Dương – Quận Cửu Chân – Nước Nam Việt.
Lăng mộ
Lăng mộ Tể tướng Lữ Gia hiện ở làng xã Đặng Lễ huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên.


THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP

Tương truyền Lữ Gia sinh ra ở huyện Lôi Dương quận Cửu Chân (nay là huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hoá) có cha là hào trưởng Lữ Tạo người lương thiện, phúc hậu làm nghề lang y; mẹ là người tài sắc, công dung tên là Trương Vĩ, con gái hào trưởng Vũ Ninh (Bắc Ninh ngày nay).

Tại quận Cửu Chân có tên họ Hàn hung nghịch, tàn bạo vốn là hào trưởng thấy Gia chí khí hơn người nên muốn thu nạp làm tay chân. Gia không chịu khuất phục nên gã thâm thù, cho tay chân đến cướp phá, hành hung gia quyến. Biết không thể sống được nên cả gia quyến đã bỏ quê tìm kế an thân. Khi đến Nam Trì (xã Đặng Lễ huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên) thấy khu đất nơi ngã ba sông đất đai tươi tốt, dân cư thuần hậu nên đã lưu tạm ở đây hành nghề lang y.




Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, Lữ Gia là Tể tướng ba đời vua Triệu, từ Văn Vương (136 - 125 TCN), Minh Vương (124 - 113 TCN), Ai Vương (112 TCN) tới Thuật Dương Vương (112-111 TCN).


Từ khi Cù Hậu nhiếp chính, triều đình Nhà Triệu xảy ra nhiều biến cố lớn. Cù Hậu vốn là người Hán nên Nam Việt nhanh chóng quy phục Nhà Hán, cứ 3 năm Ai Vương phải vào chầu 1 lần. Ngoài ra Cù Hậu còn tư thông với Thiếu Quý – Người Hán.

Trong nước Nam Việt, Lữ Gia được lòng dân hơn cả vua, không thể làm ngơ trước những gì Cù Hậu gây ra, càng không thể để cơ đồ Nhà Triệu suy vong, ông quyết định làm chính biến cùng với các đại thần trung thành với Nhà Triệu.


Trước khi xuất quân, Lữu Gia có hiệu triệu trong nước rằng:


"Vua còn nhỏ tuổi, Thái hậu vốn là người Hán, lại cùng với sứ giả nhà Hán dâm loạn, chuyên ý muốn nội phụ với nhà Hán, đem hết đồ châu báu của Tiên vương dâng cho nhà Hán để nịnh bợ, đem theo nhiều người đến Trường An rồi bắt bán cho người ta làm đầy tớ, chỉ nghĩ mối lợi một thời, không đoái gì đến xã tắc họ Triệu và lo kế muôn đời".


Sau khi làm chính biến xong, giết chết bè đảng Cù Hậu và giết luôn Triệu Ai Vương, Lữ Gia lập người con trưởng của Triệu Minh Vương là Triệu Kiến Đức lên làm vua vào tháng 11 năm 112 TCN.


Khi Quân Hán xâm lăng Nam Việt, Lữ Gia bèn mở một đường thẳng để cấp lương cho quân. Quân nhà Hán đến còn cách Phiên Ngung 40 dặm, thì ông xuất quân đánh, giết được bọn Thiên Thu. Sau đó ông sai người đem sứ tiết của nhà Hán cho vào trong hòm để trên núi Tái Thượng (tức là đèo Đại Dũ) dùng lời khéo để tạ tội, một mặt phát binh giữ chỗ hiểm yếu. Ông chất đá giữa sông gọi là Thạch Môn.


Sau thất bại của Hàn Thiên Thu, Hán Vũ Đế tổ chức lực lượng hùng hậu xâm chiếm Nam Việt. Ông và Triệu Dương Vương tổ chức kháng chiến chống quân Hán xâm lược. Ông và Triệu Dương Vương hi sinh năm 111 TCN.

Dân gian truyền, sau khi bị quân Hán chém đầu, nhưng chưa đứt hẳn, Lữ Gia phóng ngựa chạy về vùng đất Vụ Bản- Nam Định. Khi chạy đến thị trấn Gôi (Vụ Bản- Nam Định ngày nay) thì gặp một bà hàng nước. Lữ Gia hỏi: “Người bị chém mất đầu có sống được không?”. Bà nói: “Người mất đầu thì làm sao sống được”. Tức thì đầu của Lữ Gia lìa khỏi thân. Dân Vụ Bản chôn và lập đền thờ Lữ Giá ở nhiều nơi trong huyện. Tương truyền, đầu, thân và chân Lữ Gia được thờ ở ba làng khác nhau. Ngày xưa có hội rước tại các đình, miếu thờ Lữ Gia trong khắp huyện, to gần bằng hội Phủ Dày. Truyện này được ghi trong " Thiên Bản lục kỳ " là một trong sáu truyện kỳ lạ của vùng đất Thiên Bản xưa (nay là Vụ Bản).



Lời của tác giả.
Nhớ rằng:
Đất nước của chúng ta trải qua hơn 1000 năm bị giặc Tàu phương Bắc đô hộ, mối nhục này chúng ta đâu thể quên.
Tự hào rằng:
Đất nước của chúng ta với truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm oai hùng của các bậc tiền nhân đi trước. Lẫy lừng nhất trong lịch sử là 3 lần đánh thắng quân Mông – Nguyên khiến cho cả Thế giới khiếp sợ.
Ý thức rằng:
Lịch sử của Dân tộc là những nỗi đau bất hạnh kéo dài triền miên. Sự thờ ơ với lịch sử của mỗi người Việt Nam chính là con dao giết chết Dân tộc. Và làn sóng xâm lăng của ngoại bang là không bao giờ kết thúc.
Vậy nên:
Là người Việt Nam, không nhất thiết phải giỏi lịch sử. Nhưng phải biết và phải hiểu lịch sử Nước nhà. Không làm rạng danh được tổ tiên thì phải để cho con cháu được tự hào.