Thứ Năm, 12 tháng 7, 2018

Nước Việt Thường

Đăng bởi   vào   Bình luận


VIỆT THƯỜNG THỊ

Việt Thường (chữ Hán: 越裳, còn được viết là 越常, 越嘗), còn gọi là Việt Thường thị (越裳氏)

(Núi Hồng Lĩnh ngày nay, ảnh chụp của tác giả năm 2017)


Đây là một quốc gia cổ đại được nhắc đến trong một số thư tịch cổ của Trung Quốc và Việt Nam. Lãnh thổ có phạm vi tương ứng với hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh của Việt Nam hiện nay.

Kinh đô nước Việt Thường đóng tại vùng núi Hồng Lĩnh thuộc địa phận huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay, với tên gọi là Ngàn Hống. Lãnh thổ của nước Việt Thường phía bắc giáp với nước Văn Lang, phía nam giáp với nước Hồ Tôn, phía đông giáp biển Đông, còn phía tây là vùng núi hoang vu.

Nhà nước Việt Thường Thị xuất hiện vào đầu thiên niên kỷ thứ II trước công nguyên. Sách Việt sử lược chép: ''Đến đời Chu Thành vương  nhà Chu (1042 – 1021 TCN), Việt Thường Thị mới đem dâng con chim trĩ trắng''. Như vậy Việt Thường thị xuất hiện sau Văn Lang của Hùng Vương khoảng 1800 năm.

Sử ký Tư Mã Thiên cho biết họ Việt Thường đã phải qua “ba lần sứ dịch” mới đến được kinh đô nhà Chu. Dị bản Lĩnh Nam chích quái chép từ ngữ chỗ này là “trùng dịch” với chữ “dịch” mang nghĩa là “tạm nghỉ chân để đổi ngựa”. Hiểu thông tin ở đây thành “phiên dịch” (thông ngôn) nhiều lần là sai. Sứ giả Việt Thường đã dừng chân ở dịch quán dành cho sứ giả nước ngoài 3 lần, tức là từ Việt Thường đến Cảo Kinh sứ giả đã đi qua 3 nước. Mỗi nước phải dừng lại để lấy “visa”, hay đóng “giấy thông hành”

Trong Việt Nam sử lược, tác giả Trần Trọng Kim viết: ''... sử Tàu có chép rằng năm tân mão (1109 trước Tây lịch), đời vua Thành Vương nhà Chu, có nước Việt Thường, ở phía nam xứ Giao Chỉ sai sứ đem chim bạch trĩ sang cống, nhà Chu phải tìm người làm thông ngôn mới hiểu được tiếng, và ông Chu Công Đán lại chế ra Chỉ Nam xa “xe chỉ nam để đem sứ Việt Thường về nước...''

Tuy nhiên, theo nhà sử học Đào Duy Anh thì Việt Thường không phải là 1 xứ của riêng Việt Nam. Ông cho biết:

""Sách Điền Hệ của Súy Phạm viết về các dân tộc thiểu số ở miền Vân Nam cho biết rằng một dân tộc thiểu số tên là Sản Lý hay Xa Ly, có truyền thuyết nói rằng đời Chu Thành vương họ sai sứ giả đến triều cống, khi về được Chu Công Đán cho xe chỉ nam, vì thế họ lấy tên là Xa Lý. Lại có một dân tộc khác là Lan Xang (Lão Qua) có truyền thuyết rằng ở thời nhà Chu, tổ tiên của họ là nước Việt Thường. Sách Điền nam tạp chí thì nói Myanma là nước Việt Thường xưa. Những dân tộc kể trên nhận Việt Thường là tổ tiên xa của mình đều có thể là di duệ của người Di Việt, tức của người Việt tộc xưa cả. Do đó chúng ta có thể đoán rằng nước Việt Thường xưa, một nước của Việt tộc ở miền nam Trường Giang, có thể tồn tại thực, cho nên một số dân tộc di duệ của Việt tộc ngày nay, trong ấy có Việt Nam, vẫn còn ghi nhớ mà xem như nước tổ của mình"''. Đào Duy Anh, Lịch sử cổ đại Việt Nam, NXB VHTT 2005, trang 218, 219

Ca dao Việt Nam có câu:

Tháng năm ngày tết Đoan Dương.

Là ngày giỗ mẹ Việt Thường Văn Lang




Lời của tác giả.
Nhớ rằng:
Đất nước của chúng ta trải qua hơn 1000 năm bị giặc Tàu phương Bắc đô hộ, mối nhục này chúng ta đâu thể quên.
Tự hào rằng:
Đất nước của chúng ta với truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm oai hùng của các bậc tiền nhân đi trước. Lẫy lừng nhất trong lịch sử là 3 lần đánh thắng quân Mông – Nguyên khiến cho cả Thế giới khiếp sợ.
Ý thức rằng:
Lịch sử của Dân tộc là những nỗi đau bất hạnh kéo dài triền miên. Sự thờ ơ với lịch sử của mỗi người Việt Nam chính là con dao giết chết Dân tộc, với làn sóng xâm lăng của ngoại bang là không bao giờ kết thúc.
Vậy nên:
Là người Việt Nam, không nhất thiết phải giỏi lịch sử. Nhưng phải biết và phải hiểu lịch sử Nước nhà. Không làm rạng danh được tổ tiên thì phải để cho con cháu được tự hào.